Chúng ta cùng hát mừng NGÀY VUI THỐNG NHẤT

Tháng Tư 30, 2024 at 9:01 sáng Bình luận về bài viết này

Chúng ta cùng hát mừng NGÀY VUI THỐNG NHẤT

Nhà báo Thanh Hiệp – Báo Người Lao Động thực hiện

1/ Từ ý tưởng nào chị sáng tác ca khúc “Ngày vui thống nhất”?

Đó là từ khi nhận được thư mời đặt hàng của báo NLĐ. Bài hát tôi hoàn ngay đêm trước khi buổi gặp gỡ với 6 tác giả được báo NLD đặt hàng gồm tôi và các nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Hoài An, Nguyễn Thái Hiệp và Mai Trâm.

Bài hát chỉ thay đổi vài ý trong lời ca cho đầy hơn và gần với câu chuyện của bài hát hơn.Phần âm nhạc gần như giữ nguyên không thay đổi (cảm xúc ban đầu là rất quan trọng. Tôi gửi phối khí và thu thanh bài hát ngay trước Tết âm lịch.

Bài hát do 2 giảng viên thanh nhạc Kim Thoa và Mạnh Cường cùng hợp ca nam nữ của khoa âm nhạc trường cao đẳng VHNT TPHCM thể hiện. Bài hát đã được ghi hình ngoài trời ở TPHCM rất đẹp.

Bài hát được viết từ ký ức sống động của tôi đã chứng kiến những ngày giặc Mỹ leo thang ném bom Miền Bắc vô cùng ác liệt (khoảng những năm 60 thế kỷ trước). Tôi còn rất nhỏ, cả gia đình từ Hà Nội về quê sơ tán. Nhà ngay cổng đơn vị tên lửa phòng không – hệ thống lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội, chống các báy bay ném bom và máy bay chiến thuật của Mỹ. Tôi từng chứng kiến tên lửa bắn lên trung máy bay Mỹ trên không.

Thường thì khi tên lửa bắn sẽ cắt đuôi ở trên không khi đạt được khoảng cách nhất định và bụi của lớp vỏ bọc tên lửa rơi xuống gây cháy.

Có hôm, tên lửa bắn hướng qua làng, cả làng bị cháy do bụi lửa rơi. Vừa dứt báo động, tôi tan học vừa chạy về vừa khóc vì lo sợ nhà mình bị cháy. Rồi Hà Nội 12 ngày đêm vô cùng khốc liệt…

Ký ức những ngày chiến tranh leo thang ấy ám ảnh vô cùng. Nhất là những ngày nghe tin chiến thắng qua loa phóng thanh bắt đầu từ Tây Nguyên…mừng vô cùng, náo nức vô cùng…

2/ Chị muốn gửi gắm thông điệp nào vào ca khúc này? Lâu nay giới sáng tác vẫn cho rằng viết ca khúc tham gia theo chủ đề rất dễ bị khô cứng?

Tên bài hát ‘Ngày vui thống nhất’ chính là thông điệp của bài hát. Đó là ngày non sông thống nhất, đất nước liền một dải; niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ vào mỗi dịp 30/4 và những lắng lòng trước những anh linh đã không kịp về mừng chiến thắng khiến cho trái tim chúng ta lắng lại tưởng tiếc, tri ân.

Clip NGÀY VUI THỐNG NHẤT – do Kim Thoa & Mạnh Cường thể hiện

https://vnexpress.net/quynh-hop-ra-mat-ca-khuc-ngay-vui…

Viết tham gia một cuộc thi, một chủ đề (tạm gọi là theo đơn đặt hàng)… Không có nghĩa là tiền mà là thấy mình có giá trị, có ảnh hưởng và đặc biệt là thấy được trân trọng.

Đó là một ‘chất xúc tác’ để người viết có hứng thú, tập trung hơn về xúc cảm, tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề mình đang muốn viết và hoàn thành tác phẩm nhanh và tốt nhất trong khả năng của mình.

Việc tác phẩm ‘khô cứng’ hay ‘mềm mại’ phụ thuộc nhiều vào xúc cảm & góc nhìn của người viết ( tính chuyên nghiệp của người sáng tạo).

Tôi làm báo hơn 20 năm, hầu như những dịp kỷ niệm của đất nước như tôi đều có album riêng phát hành rồi những album về các vùng đất, ngành nghề… thêm nữa, người sáng tác chuyên nghiệp luôn biết cách tạo cảm xúc cho mình ở thời điểm nhất định để hoàn thành tác phẩm một cách hiệu quả nhất. Không phải viết lâu thì bài hát hay mà là “ Bắt trúng mạch” là cảm xúc lập tức trào dâng.

Người viết đặt hàng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ chủ đề tránh sự tẻ nhạt và khiên cưỡng để có giai điệu đẹp, câu nhạc bắt tai và dễ hát với những lời ca tự nhiên và sâu sắc, chạm được tầng sâu cảm nhận của khán giả.

Tôi đi nhiều và thường viết rất thường xuyên, chủ yếu là phổ thơ ‘trăm hay không bằng tay quen’ mà…kkkk.

Thường thì ở những album ra mắt, có những bài hát tôi cần mình tự viết cả lời ca và giai điệu để tải được câu chuyện của chính mình để ‘nhập vai tốt’ cho tổng thể album.

‘Ngày vui thống nhất’ tôi viết cả nhạc và lời. Tôi hoàn thành bài hát rất nhanh nhưng ý tứ và xúc cảm là bắt nguồn từ rất lâu và rất xa. Tôi hài lòng về nội dung và tính chất âm nhạc của bài hát.

Câu chuyện trong bài hát đưa người nghe về thời khắc 30/4/1975 với những câu mở đầu đầy xúc động ‘Đưa em về miền ký ức/ những bước chân rung chuyển Sài Gòn/ cả Tổ Quốc trống giong cờ mở/ mừng thống nhất non sông…’và câu chuyện của bài hát sau đó đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

Tính chất âm nhạc của bài hát trữ tình mà hảo sảng, không hô hào mà dạt dào xúc cảm khiến người nghe ‘gai người’. Ngày thống nhất đất nước, giữa náo nức cờ hoa là khóc cười mừng tủi để chúng ta không chỉ mừng vui trong ngày thống nhất mà còn ghi ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đất nước có thanh bình hôm nay. Lời ca cũng khái quát được thành tựu của nửa thể kỷ Bắc – Nam một nhà với câu kết đầy tự hào ‘Năm mươi năm mới trí tuệ bản lĩnh, với khát vọng dựng xây một Việt Nam rạng ngời’.

3/ Kỷ niệm nào chị nhớ nhất về TP HCM – nơi chị đã sinh sống và làm việc?

Tôi chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sống và làm việc từ 1990. Những ngày mới vô, ra chợ vẫn bị gọi là ‘Bắc Kỳ’. Tôi không buồn mà chỉ tự nhủ, mình sẽ sống vui, sống tốt để có thể TAN vào ‘Nam Kỳ’.

Vậy mà đã hơn 30 năm sống và làm việc ở TPHCM, tôi có nghề nghiệp làm báo, có sự nghiệp âm nhạc đáng để tự hào, có tình yêu với Sài Gòn đủ lớn với hàng trăm ca khúc viết về Sài Gòn (phổ thơ của nhiều tác giả).

Tôi đã có những album về Sài Gòn ra mắt khán giả vào những dịp 30/4 như: 30 năm thống nhất ( 2005) tôi ra mắt album ‘Cảm xúc tháng tư” với 12 ca khúc phổ thơ nhiều tác giả.

Năm 2015 – kỷ niệm 40 năm, tôi cùng lúc ra mắt 2 album ‘Khoảng lặng’ gồm 12 ca khúc phổ từ những bài thơ ám ảnh và của nhà thơ Nguyễn Trọng Luân – một CCB có mặt ở Sài Gòn ngày 1/5/1975. Đó là khoảng lặng của người lính hành quân về miền nhớ, gợi về một miền ký ức, một bản hùng ca về công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Còn album ‘Chào Sài Gòn ban mai’với 9 ca khúc do nhóm Artista thể hiện. Những ca khúc trong album là hình ảnh một Sài Gòn hối hả, năng động và đầy nghĩa tình.

Trong đó, ca khúc ‘Người Sài Gòn’ là một Sài Gòn sớm mai giản dị mà đầy hứng khởi cho mọt ngày mới ‘rất đời’ của người Sài Gòn và cũng thể hiện được những đặc tính riêng có của người Sài Gòn : Năng động, sáng tạo, nhiệt tình/Thích hưởng, thích ngon, thích đẹp ; Không định kiến, không bỏ cuộc /với bao dự định ước mơ.

Bài hát, tôi viết tặng chuyên mục ‘Đó là người Sài Gòn’ trên ‘Sài Gòn FM’ – Đài TNND TPHCM trực tiếp trên sóng Fm 95.6 Mhz từ 6h – 8h hàng ngày, nhưng qua bài hát, tôi đã gửi tình yêu của mình với Sài Gòn sau hơn 20 năm rời Hà Nội vào sống và làm việc tại TPHCM. Bài hát viết từ những ý tưởng của nhà báo Hoàng Dũng – Một nhà báo giỏi của VOH – người đã rất quen thuộc với thính giả, đặc biệt là trong chuyên mục ‘Chuyện người Sài Gòn’ trên sóng Fm 99,9 nhiều năm qua’.

Bản phối khí trẻ trung, hào hứng trong nhịp swing rộn ràng của nhạc sĩ Yên Lam mở ra một ngày mới của người Sài Gòn rất đỗi bình dị không kiểu cách, làm dáng, mà đầy hứng khởi, như lửa ấm cho một ngày mới chứa chan tấm lòng rộng mở, đón chào, mời mọc ngày mới đang lên.

Dù bạn là ai, làm gì, trẻ hay già… không quan trọng miễn là bạn đang sống, đang làm việc, thậm chí bạn đang ghé chơi Sài Gòn thì bạn cũng là người Sài Gòn rồi. Bạn sẽ bị cuốn theo cuộc sống hối hả của người Sài Gòn cuốn đi một cách tự nhiên đầy hào hứng và thách thức.

Đoạn coda bài hát thể hiện tình yêu và trách nhiệm của người Sài Gòn – những người từ khắp nơi về sống, làm việc, ghé thăm nơi đây – Bằng việc làm và hành động của mình cùng chung sức, chung lòng thể hiện tình yêu và hành động của mình để giữ gìn và góp sức dựng xây thành phố ngày càng sạch đẹp, văn minh và phát triển và để tự hào mình là NGƯỜI SÀI GÒN : Sài Gòn là của bạn/ Sài Gòn là của tôi/Bốn phương hội tụ về đây… người Sài Gòn.Một bản swing trẻ trung mở ra một ngày mới yêu đời và đầy năng lượng.

Clip ca khúc NGƯỜI SÀI GÒN – nhóm Artista thể hiện

https://video.vnexpress.net/…/artista-hat-nguoi-sai-gon…

Và sang năm 2025, kỷ niệm 50 năm thống nhất, tôi sẽ ra mắt một tuyển tập ca khúc về Sài Gòn đủ lớn như tình yêu của tôi với TP. Tuyển tập có tên NGÀY VUI THỐNG NHẤT có thể là 50 ca khúc ( là những ca khúc đã phát hành) hoặc 100 ca khúc về Sài Gòn của tôi phổ thơ nhiều tác giả để cảm ơn thành phố – nơi đất lành, đất hứa cho những người tới đây lập nghiệp… và hầu hết họ đều thành công trong đó có tôi.

4/ Hiện nay để lan tỏa những ca khúc viết về TP đến số đông khán giả trẻ theo chị cần phải làm gì?

Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian nên các ca khúc viết về TP phải được vang lên với bất kỳ hình thức nào đó. Để đến được với khán giả thì cần nhiều yếu tố từ sáng tác, phối khí, ca sĩ, thời điểm ra mắt, quảng bá.v.v. khâu nào cũng quan trọng.

Với truyền thông ‘mở’ đa phương tiện như hiện nay, việc một ca khúc tiếp cận khán giả khó hơn nhiều vì có quá nhiều phương tiện để tiếp cận tác phẩm không tập trung như trước đây là chỉ nghe trên phát thanh, truyền hình, sân khấu… Người sáng tác và ca sĩ phải được phối hợp nhịp nhàng sao cho hiệu quả nhất, trong điều kiện có thể nhất của mình để đưa ra công chúng một sản phẩm đủ níu người nghe.

5/ Giới trẻ đã sáng tác nhiều ca khúc viết về TP, chị có đặt niềm tin ở thế hệ nhạc sĩ trẻ hôm nay sẽ có nhiều ca khúc với những góc nhìn khác nhau về TP mang tên Bác?

Các bạn trẻ bây giờ sáng tác nhanh và mới lạ nhiều tác giả trẻ đã sở hữu nhiều bản hit. Âu cũng là tuổi trẻ. Nên tôi tin, các tác giả trẻ viết về thành phố sẽ có nhiều góc nhìn lạ, táo báo và chất liệu âm nhạc mới mang xu hướng toàn cầu: hiện đại, bắt tai, chuyên nghiệp trong tất cả các khâu mà thế hệ sáng tác như chúng tôi không có được.

Vấn đề là những đề tài có tính chính trị như ‘ Đất nước trọn niềm vui’ của NLD thì nên có thư mời đích danh một vài nghệ sĩ trẻ đang có ảnh hưởng rộng rãi như : Hứa Kim Tuyền, Đen Vâu, Tăng Duy Tân, Khắc Hưng, Châu Đăng Khoa rồi Orange…

6/ Để viết một ca khúc về TP bản thân người nhạc sĩ cần chọn chất liệu, câu chuyện như thế nào?

Thiết nghĩ, mỗi nhạc sĩ đều có cách kể câu chuyện của mình qua góc nhìn, trải nghiệm, tính nghề nghiệp… Người thành công là người thu hút được khán giả theo dõi câu chuyện ấy qua lời ca & giai điệu được kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn.

7/ Chị kỳ vọng điều gì vào cuộc vận động sáng tác ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của báo Người Lao Động?

Tôi nghĩ “Đất nước trọn niềm vui” là chủ đề mà các các nhạc sĩ có thâm niên dường như có sẵn xúc cảm để viết. Cần kéo các nhạc sĩ trẻ đương đại vào cuộc để họ kể câu chuyện của thế hệ họ. Đã 49 lần kỷ niệm, nên những câu chuyện của ngày hôm nay phải được kể khéo léo hơn, tinh tế hơn; góc nhìn cũng cần được cởi mở, thoáng hơn.

Câu chuyện của lịch sử sau nửa thế kỷ cũng được nhìn nhận khách quan hơn, đa chiều hơn và nếu một ca khúc có giai điệu đẹp, bắt tai, thì thông điệp của “Đất nước trọn niềm vui” sẽ đến với khán giả một cách sâu rộng và có ảnh hưởng tốt với đời sống âm nhạc nước nhà.

Tôi nghĩ, tác phẩm dự thi cuộc vận động sáng tác này của báo NLD sẽ có hàng trăm tác phẩm dự thi và hy vọng sẽ có nhiều bài hát ở lại lâu dài trong đời sống âm nhạc của đất nước để chúng ta hát mừng ‘Ngày vui thống nhất’.

Entry filed under: 4- SỰ KIỆN.

Văn học Miền Nam trước năm 1975 – Bước hòa hợp mới CHUYỆN “LOẠN THƠ”!

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


LỜI GIỚI THIỆU

SẮC MÀU THỜI GIAN Chuyên trang Văn học - Nghệ thuật. Giới thiệu: về vùng đất và con người Quảng Ngãi, các tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Nơi gặp gỡ, giao lưu của bạn bè gần xa. Thân mời các bạn cộng tác. Thư từ, tác phẩm xin gởi về: Hồ Nghĩa Phương, Email: honghiaphuong@gmail.com

Bài viết mới

LƯỢNG TRUY CẬP

  • 484 996 Người

Chuyên mục