Hát bội, loại hình nghệ thuật độc đáo

Hát bội, loại hình nghệ thuật độc đáo.

(Nguồn: Báo Quảng Ngãi)- Hát bội được nhiều người dân xứ Quảng nói chung và Quảng Ngãi nói riêng yêu thích, nên dân gian lưu truyền câu ca nổi tiếng: “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ/ Má ơi đừng đánh con khờ/ Để con hát bội làm đào má nghe”.

Vang bóng một thời  

Hát bội có từ lâu đời, ở miền Bắc gọi là hát Tuồng. Người đặt nền móng, Tiền tổ hát bội cho xứ Đàng Trong là Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1572 – 1634), danh thần thời chúa Nguyễn. Ông đã mang hát bội từ miền Bắc vào. Đến thế kỷ XIX, Đào Tấn (1845 – 1907), cử nhân khoa Đinh Mão (1867), lần lượt giữ các chức Tổng đốc Nghệ – Tĩnh rồi Thượng thư Bộ Công, trở thành một nhà soạn giả hát bội tài ba, nổi tiếng với các tác phẩm chỉnh lý như Sơn Hậu, Đào Phi Phụng, Tam nữ đồ vương… Ông soạn nhiều vở mới như Diễn Võ Đình, Trầm Hương Các, Hồi trống cổ thành… Trong giai đoạn này, các đoàn hát bội được sự quan tâm của Triều Nguyễn. Đào Tấn đã nuôi các gánh hát bội trong cung, trực tiếp dạy và diễn hát bội. Ông được tôn vinh là Hậu tổ hát bội.

Thế kỷ XIX là thời kỳ cực thịnh của hát bội. Vua Gia Long đã cho xây dựng một nhà hát tuồng đầu tiên ngay trong Hoàng thành Huế mang tên Duyệt Thị Đường để phục vụ vua, hoàng hậu và các thân vương quan lại xem. Dưới thời Tự Đức, nhà vua đã tập hợp khoảng 300 kép hát giỏi từ các địa phương, bắt đầu từ Bình Trị Thiên vô đến tận Đồng Nai, chuyên biểu diễn cho vua chúa xem. Lúc này, khu vực miền Nam Trung Bộ có các dòng phái hát bội như tuồng Bình Định, tuồng xứ Quảng (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng) và tuồng Huế. 

(more…)

Tháng Năm 8, 2024 at 8:40 sáng Bình luận về bài viết này

NGHĨA TÌNH LÝ SƠN

NGUYỄN ĐỨC QUẬN (Bình Định)

NGHĨA TÌNH LÝ SƠN

Theo tàu rẻ sóng ra khơi

Tìm câu lục bát ru đời đi hoang

Trời trong, mây trắng, nắng vàng

Lý Sơn sắc ngọc xanh tràn cù lao

Về đây thỏa một ước ao

Mặn mòi biển cả rì rào sóng xô

Tò Vò cổng đẹp nên thơ

Khách về ngắm cảnh đứng chờ hoàng hôn

Giếng Tiền núi lửa hớp hồn

Triệu năm vẫn đứng tiếng đồn xa vang

Tươi màu đất đỏ bazan

Thiên nhiên tuyệt tác mãi còn đậm in

Mù Cu sáng ngắm bình minh

Trời mây sóng nước hữu tình nên thơ

Hải đăng dẫn lối vào bờ

Ghe thuyền xuôi ngược hẹn hò đổi trao

Thới Lới sừng sững vươn cao

Cột cờ chót vót vẫy chào biển khơi

Ngọt ngào hồ nước giữa trời

Tưới hành, tưới tỏi, tắm đời thơm tho

Bỏ buông bao nỗi âu lo

Chùa Hang mở cửa đón chờ khách thăm

Chắp tay đứng trước Quan Âm

Hồ sen bông nở tĩnh tâm chốn thiền

Hang Câu xao xuyến con tim

Lung linh huyền ảo im lìm hoang sơ

Hang sâu vách đứng hững hờ

Chơi vơi, trơ trọi, sững sờ, rong rêu

Quanh co từng bậc lần theo

Qua thăm Chùa Đục cheo leo bên sườn

Không Sư chùa vẫn ngát hương

Linh thiêng nên khách thập phương tìm về

Bức tranh tuyệt tác chốn quê

Đảo Bé thơ mộng bốn bề nước mây

Bờ cát trắng xóa trải dài

San hô sặc sỡ đắm say lặn nhìn

Thiên đường biển đảo lung linh

Huơng hành, hương tỏi chút tình sâu hơn

Một lần đến với Lý Sơn

Rời xa lòng nhẹ tâm hồn an yên

Rời xa không thể nào quên

Con người thân thiện, dễ quen, ưa nhìn

Lý Sơn nghĩa nặng, đậm tình

Ai xa có nhớ thì xin tìm về

24.4.23 – NĐQ

Tháng Năm 1, 2024 at 2:23 sáng Bình luận về bài viết này

CHUYỆN “LOẠN THƠ”!

CHUYỆN “LOẠN THƠ”!

                               NGUYÊN BÌNH

Người ta đang bàn cãi nhiều về “hiện tượng loạn thơ”! Có nhiều vị đăng những bài viết thở than rằng thơ đuơng đại mọc lên như nấm sau cơn mưa rào, thơ trời ơi đất hỡi in ra rồi mỏi miệng mời tặng, mời đọc và rồi dầm sương dãi nắng ở đống ve chai. Nào là ông này thuộc đẳng cấp “thơ câu lạc bộ”, thơ bà kia giống như hò vè, vv và vv. Người ta rên siết về hiện tượng thơ bung lụa, khởi sắc trên thi đàn hiện nay. Dĩ nhiên, khi có tự do ngôn luận thì mọi người có quyền phát biểu ý kiến riêng của mình. Đó là điều đáng mừng. Người ta quan tâm đến thơ, điều đó càng đáng mừng hơn. Và tôi, tôi cũng có quyền trình bày ý kiến phản hồi về những quan điểm trên.

Trước hết, xin nói đôi điều, trong điều kiện xã hội hiện nay, ai cũng có thể làm thơ vì thơ ăn sâu trong tâm thức Việt qua ca dao, đồng dao, hò vè, lục bát và nhất là từ Truyện Kiều. Dân trí ngày nay đã được nâng cao, viết lách lưu loát, thơ rất dễ phổ biến vì loại hình này không đòi hỏi gì nhiều: biểu đạt nhanh chóng, súc tích, thi vị, lãng mạn. Chỉ cần một cái điện thoại vài triệu là có thể post bài viết lên trang cá nhân 4 câu lục bát, một bài tứ tuyệt, hoặc một đoản khúc tự do vv… sau muơi phút thăng hoa cảm xúc. Thế là thơ bay đến với công chúng trong và ngoài nước khoe sắc trong vườn thơ bát ngát.

(more…)

Tháng Năm 1, 2024 at 2:17 sáng Bình luận về bài viết này

Chúng ta cùng hát mừng NGÀY VUI THỐNG NHẤT

Chúng ta cùng hát mừng NGÀY VUI THỐNG NHẤT

Nhà báo Thanh Hiệp – Báo Người Lao Động thực hiện

1/ Từ ý tưởng nào chị sáng tác ca khúc “Ngày vui thống nhất”?

Đó là từ khi nhận được thư mời đặt hàng của báo NLĐ. Bài hát tôi hoàn ngay đêm trước khi buổi gặp gỡ với 6 tác giả được báo NLD đặt hàng gồm tôi và các nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Hoài An, Nguyễn Thái Hiệp và Mai Trâm.

Bài hát chỉ thay đổi vài ý trong lời ca cho đầy hơn và gần với câu chuyện của bài hát hơn.Phần âm nhạc gần như giữ nguyên không thay đổi (cảm xúc ban đầu là rất quan trọng. Tôi gửi phối khí và thu thanh bài hát ngay trước Tết âm lịch.

Bài hát do 2 giảng viên thanh nhạc Kim Thoa và Mạnh Cường cùng hợp ca nam nữ của khoa âm nhạc trường cao đẳng VHNT TPHCM thể hiện. Bài hát đã được ghi hình ngoài trời ở TPHCM rất đẹp.

Bài hát được viết từ ký ức sống động của tôi đã chứng kiến những ngày giặc Mỹ leo thang ném bom Miền Bắc vô cùng ác liệt (khoảng những năm 60 thế kỷ trước). Tôi còn rất nhỏ, cả gia đình từ Hà Nội về quê sơ tán. Nhà ngay cổng đơn vị tên lửa phòng không – hệ thống lưới lửa dày đặc trên bầu trời Hà Nội, chống các báy bay ném bom và máy bay chiến thuật của Mỹ. Tôi từng chứng kiến tên lửa bắn lên trung máy bay Mỹ trên không.

Thường thì khi tên lửa bắn sẽ cắt đuôi ở trên không khi đạt được khoảng cách nhất định và bụi của lớp vỏ bọc tên lửa rơi xuống gây cháy.

Có hôm, tên lửa bắn hướng qua làng, cả làng bị cháy do bụi lửa rơi. Vừa dứt báo động, tôi tan học vừa chạy về vừa khóc vì lo sợ nhà mình bị cháy. Rồi Hà Nội 12 ngày đêm vô cùng khốc liệt…

Ký ức những ngày chiến tranh leo thang ấy ám ảnh vô cùng. Nhất là những ngày nghe tin chiến thắng qua loa phóng thanh bắt đầu từ Tây Nguyên…mừng vô cùng, náo nức vô cùng…

(more…)

Tháng Tư 30, 2024 at 9:01 sáng Bình luận về bài viết này

Văn học Miền Nam trước năm 1975 – Bước hòa hợp mới

Văn học, nghệ thuật miền Nam trước 1975: Bước hòa hợp mới

Một số tác phẩm nổi tiếng trước 1975 đã được in lại mới đây – ảnh T.H.A


Tròn 3 năm trước, trên báo Tiền Phong, nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Hoài Anh còn bày tỏ hy vọng đến một ngày văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 sẽ được ghi nhận xứng đáng. Và giờ đây ông báo tin vui: bộ phận văn học này đã chính thức được ghi nhận là “Di sản văn học nghệ thuật dân tộc”.

Cụ thể, chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa ở Đề án 15 – ĐA/BTGTW về việc nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 của Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Tiền Phong: Là chuyên gia nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975 từ nhiều năm qua, xin ông cho biết đến thời điểm này những đánh giá, nhìn nhận, chỉ đạo của nhà nước ta về bộ phận VHNT đặc biệt này đã có những chuyển biến và đổi mới nào đáng ghi nhận?

PGS.TS Trần Hoài Anh: Chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, nhằm hiện thực hóa điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác quyết: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; Sông có thể cạn núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Trong thời điểm này, một điều làm cho tôi và những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam vô cùng cảm kích, đó là việc Đảng và Nhà nước đã có một cách nhìn mới quan trọng về nền văn học miền Nam trước 1975 qua việc thay đổi “danh xưng”, mà có một thời không xa nó bị/được gọi là bộ phận “văn học đô thị miền Nam” hay “văn học đồi trụy, phản động”, thì nay được chính thức được tôn vinh là “Di sản văn học nghệ thuật dân tộc”. Chủ trương này đã và đang được hiện thực hóa ở Đề án 15 – ĐA/BTGTW về việc nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 của Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện từ tháng 11/2023 đến tháng 12/2024.

Chủ trương này của Đảng và Nhà nước cho thấy rõ tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc trong tình hình mới, sau 50 năm đất nước thống nhất, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển. Không những thế, việc không dùng cụm từ  “văn học đô thị miền Nam” cũng tránh được những “mặc cảm” và hiểu lầm không cần thiết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đã từng sống, sáng tác ở miền Nam, trong đó có nhiều người hiện đang định cư ở hải ngoại. Để họ hiểu hơn về thiện tâm của chúng ta, cảm nhận được tình tự dân tộc mà hướng vọng về quê hương trong tình dân tộc nghĩa đồng bào. Nhân đây tôi cũng đề nghị từ nay không nên dùng cụm từ “văn học đô thị miền Nam” các bài viết trên báo chí hay trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình, sách giáo khoa khi viết về văn học miền Nam, mà nên dùng cụm từ “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” như văn bản của Ban Tuyên giáo T.Ư đã nói ở trên để văn học nghệ thuật miền Nam có một danh xưng đúng với  “nhân vị” của nó trong nền văn học nước nhà.

Tiền Phong: Bốn năm trước, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP, qui định về hoạt động nghệ thuật biểu diễnTrong đó không còn nhắc tới các khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam. Ông có nhận xét gì về việc đưa Nghị định này vào thực tế cuộc sống thời gian qua?

PGS.TS Trần Hoài Anh: Có thể nói, Nghị định 144/2020/NĐ-CP, qui định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó không còn nhắc tới khái niệm “Tác phẩm sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam” (hay được gọi “ca khúc trước 1975”) là một quyết định đúng đắn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng yêu nhạc cả nước, ở mọi tầng lớp từ giới “bình dân” cho đến “bác học”, nghĩa là chủ trương ấy rất hợp với lòng dân.

Từ khi có nghị định này, di sản âm nhạc miền Nam trước 1975 như được chắp thêm đôi cánh để tiếp tục lan tỏa vào đời sống. Chúng ta có thể nhìn thấy qua các chương trình biểu diễn ca nhạc như: “Tình khúc vượt thời gian”, “Những khúc vọng xưa” … trên sóng của Đài phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương. Đặc biệt là các chương trình thi giọng hát Bolero của Đài truyền hình Vĩnh Long, Đài truyền hình Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau về khám phá thế giới âm nhạc của các nhạc sĩ sáng tác trước 1975 như: Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Thanh Sơn, Anh BằngSong NgọcY VânHoàng TrọngNguyễn Văn ĐôngTuấn Khanh, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng. Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ,… đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là người trẻ sinh trưởng từ sau 1975 ở các tỉnh phía Bắc. Dù không có “truyền thống” hát các loại nhạc miền Nam trước 1975, nhưng  qua các cuộc thi, họ đã hát rất hay, rất “mùi” về các loại nhạc này. Thế mới biết, nghệ thuật chân chính không có giới tuyến. Nghị định 144/2020/NĐ-CP đã góp phần  tạo thêm nội lực cho văn nghệ miền Nam để vững bước đi vào đời sống tinh thần của dân tộc như một giá trị nhân sinh vững bền mà hôm nay Đảng và Nhà nước đã công nhận là “Di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-175” cần phải được nghiên cứu và bảo tồn.

Tiền Phong: Sau hơn 20 năm nghiên cứu về văn học miền Nam, xin ông cho biết hành trình cá nhân ấy đã góp phần những gì vào việc thay đổi nhận thức chung về hòa hợp trong văn chương? 

PGS.TS Trần Hoài Anh: Thứ thực qua nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy văn nghệ miền Nam 1954-1975, tôi chỉ nghĩ đơn giản, là một nhà khoa học tôi rất hạnh phúc khi chọn được lĩnh vực nghiên cứu mà mình đam mê để mỗi khi ngồi vào bàn viết không có tâm lý chán nản là mình làm một việc không có ích, thế thôi! Còn việc góp phần làm một điều gì đó như nhà báo hỏi thì tôi hoàn toàn không nghĩ đến, vì nó vượt quá tâm trí và năng lực nhỏ bé của mình. Bởi “một con én không làm nên mùa xuân”. Vì vậy, khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước nhìn nhận văn học nghệ thuật miền Nam là Di sản cần được nghiên cứu để bảo tồn, tôi rất vui mừng vì nghĩ rằng những gì mình đã làm trong nhiều năm qua không phải là điều vô ích.

Riêng tôi trong hành trình nghiên cứu và giảng dạy văn học miền Nam 1954-1975, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Văn học về đề tài “Lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975”, và chỉnh sửa in thành sách chuyên luận (Nxb. Hội Nhà văn, 2009), tôi đã viết trên 30 bài báo đăng ở kỷ yếu các Hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế và các tạp chí chuyên ngành, các báo chí… Tôi cũng đã tham gia đề tài cấp Nhà nước “Tư tưởng lý luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay” (2014-2015) do Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật T.Ư chủ trì; hướng dẫn một số luận văn thạc sĩ về đề tài văn học miền Nam 1954-1975 về các tác giả Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Hoài Khanh, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị NgH, Nguyên Sa, Túy Hồng; và ba tác giả  Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn ở miền Nam giai đoạn 1954-1975…

Mới đây, cuối năm 2023, tôi xuất bản chuyên luận “Lý luận – phê bình văn học miền Nam 1954-1975 – Tiếp nhận và ứng dụng” (NXB Hội Nhà văn). Trong chuyên luận này chúng tôi không dùng thuật ngữ “đô thị miền Nam” như ở lần xuất bản năm 2009 cũng trong hàm ý như đã nói ở trên.

Hướng nghiên cứu chính của tôi trong thời gian tới là tiếp tục nghiên cứu di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975, trong đó tập trung nghiên cứu những gương mặt nữ văn sĩ miền Nam qua một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ; Túy Hồng, Trùng Dương, Lệ Hằng, Dung Sài Gòn, Trần Thị Nght, Trần Thị Diệu Tân,… và một số nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình tiêu biểu để góp phần hoàn thiện diện mạo văn học miền Nam với ý nghĩa là một di sản của văn học dân tộc.

Xin cám ơn ông!

PGS.TS Trần Hoài Anh – Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam khóa X 2020-2025), tác giả của nhiều công trình trong đó chủ yếu về VHNT miền Nam. Ông hiện đang tham gia với tư cách là thành viên đề tài Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam sau 50 năm đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư chủ trì, và được phân công viết về phần lý luận phê bình văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Trần Tuấn (thực hiện)
Bài đăng Tiền Phong số Đặc biệt 30.4.2024

 

Nguồn: https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/van-hoc-nghe-thuat-mien-nam-truoc-1975-buoc-hoa-hop-moi

Tháng Tư 30, 2024 at 7:53 sáng Bình luận về bài viết này

Nồi mít kho của má, đậm đà tình yêu thương

Tản văn:      Nồi mít kho của má, đậm đà tình yêu thương

                                        LÊ KIM VI (Đức Hiệp, Mộ Đức)

Tôi ăn chay được gần 5 năm. Với niềm yêu thích ẩm thực chay, có món nào tôi chưa từng ném thử qua và thành công học cách nấu? Riêng mỗi món mít kho là tôi học mãi mà vẫn chưa sao nấu ra được chuẩn vị đậm đà khó quên như má – Cái vị dường như đã in sâu trong tiềm thức tôi thuở ấu thơ đến giờ.

Với những đứa trẻ miền quê như tôi, mít có lẽ chẳng còn quá xa lạ nữa. Quê tôi nổi tiếng là cái xứ ngó quanh nhà nào cũng trồng mít. Vùng đất Miền Trung “nắng lắm mưa nhiều” chẳng được thiên nhiên ưu ái ấy, vậy mà lại cho ra những cây mít tốt tươi, sai quả như một thức quà thiên nhiên ban tặng.

(more…)

Tháng Tư 24, 2024 at 8:21 sáng Bình luận về bài viết này

Chùm thơ LÊ THANH HÙNG

Chùm thơ LÊ THANH HÙNG (Bình Thuận)

Có một tiếng ve

Gian tuổi mộng, ngạc nhiên em mười sáu

Có chàng trai, cầm vần thơ khờ khạo

Dán lên tường loang lổ nắng an nhiên

Gió lộng đưa, không gợn chút ưu phiền

                        *

Con đường quen, có gì đâu vướng bận

Bước chậm bước mau, hồn nhiên thơ thẩn

Nắng đổ loang mờ, bóng nhỏ liêu xiêu

Có ai đang xớ rớ, mộng hoang chiều

                        *

Lơ đãng bước, một tháng năm gợi nhớ

Bất chợt, tiếng ve mồ côi òa vỡ

Ngắt ngứ ngang chiều, hòa giọng say sưa

Gã đi theo sau, lính quýnh đổ thừa …

                        *

Bẵng một nỗi, kìa em nay mười tám

Tiếng ve ngân, trái tim non thấu cảm

Một nỗi buồn vô cớ, biết vì đâu?

Cánh phượng rưng rưng, như cũng phai màu

                        *

Mới đó, mà đâu hay em đã lớn

Nhẹ nhàng bước, trên cỏ non mơn mởn

Hát khúc mai này, sâu lắng – chia tay

Có một tiếng ve ẩn ức, dâng đầy …

(more…)

Tháng Tư 24, 2024 at 7:58 sáng Bình luận về bài viết này

SẮC HẠ QUÊ NHÀ

Tản văn: LÊ KIM VI (Mộ Đức Quảng Ngãi)

SẮC HẠ QUÊ NHÀ

Xuân vừa qua hạ đã vội ghé thăm. Đó là một buổi sáng tỉnh dậy, chạm ngay ánh nhìn đầu tiên là khoảnh khắc những tia nắng len lỏi qua ô cửa sổ, mà phủ lên bức tường trắng tinh trong căn phòng nhỏ chút ấm áp hiếm hoi sau những ngày âm u và chán ngán giữa lòng thành phố. Tôi đưa tay đón lấy nắng hạ ùa vào vòng tay, như làn sương sớm mong manh khao khát quay về với bản thể nguyên vẹn của mình.

Phố xá yên bình, hàng phượng gầy đã vươn mình đón lấy những chùm nắng hạ trên từng cánh hoa. Với tôi, nắng hạ ngọt ngào lắm, nó mang theo tất thảy những hoài niệm nhớ thương, ôm trọn sắc hương của một thời tuổi trẻ, cái lứa tuổi hồn nhiên vui đùa, trải nghiệm và thật nhiều ước mơ. Để rồi khi trưởng thành giữa lòng thành phố đầy ngổn ngang, tôi chợt nhớ mong cái mùi vị của quê nhà và tiếc nuối về một cánh chuồn mỏng của mùa hạ đã qua…

Thuở bé, tôi yêu mùa hạ lắm. Ấy là khi cái màu nắng vàng chói chang phủ kín khắp sân trường. Là khi phượng đỏ, bàng xanh, tiếng chú ve sầu râm ran ngân lên khúc nhạc hè về. Trang giấy trắng cuối cùng cũng khép lại, lòng háo hức nghĩ về một kì nghỉ hè sôi động. Khác với những người lớn, hè về chỉ cảm thấy thêm nóng nực, oi bức; trẻ con chúng tôi lại thích nhất dịp nghỉ hè vì được thỏa thích rong chơi mà chẳng phải đến trường với đống sách vở.

(more…)

Tháng Tư 9, 2024 at 8:16 sáng Bình luận về bài viết này

NHẬT LINH (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa)

NHẬT LINH (Nghĩa Phương, Tư Nghĩa)

TUỔI XA NGƯỜI

Em chỉ đến với anh trong chốc lát

Như bọt tan con sóng biển vô bờ

Như hoa quỳnh nở vội giữa bơ vơ

Như từng áng sương mờ trong nắng sớm

Vội giấu mặt sau nỗi buồn quá lớn

Bước chân chùng không kéo nổi thời gian

Chôn nỗi đau lấp kín chuyện lỡ làng

Trời trở gió áo đời không đủ ấm

Lệch một chút nỗi sầu xa vạn dặm

Tuổi xa người trôi dạt giữa dòng sông.

(more…)

Tháng Tư 7, 2024 at 3:43 sáng Bình luận về bài viết này

BẠN CHÈO TUYẾT DIÊM

CAO CHƯ (Nguyên Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi)

BẠN CHÈO TUYẾT DIÊM

         Rằm tháng Hai là lệ tế xuân, lễ hội Cầu ngư của vạn Tuyết Diêm (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn). Nói đến vạn chài Tuyết Diêm hẳn nhiều người nhớ đến câu ca: Tiếng đồn bạn nhạc Bàu Bèo/ Bạn gươm Mỹ Huệ, bạn chèo Tuyết Diêm. Lệ xuân năm nay ở Tuyết Diêm cũng như mọi năm, cũng có bạn chèo, nhưng có phần gợi nhớ, gợi xúc cảm hơn các năm trước.

         SÓNG GIÓ TUYẾT DIÊM

         Tuyết Diêm nằm ở vùng “sừng” của huyện Bình Sơn choài ra biển, có thể nói là chỗ “nhọn” nhất của cái sừng, kiên gan che chắn sóng gió ở bờ đông vịnh Dung Quất. Làng chài hình thành năm, sáu trăm năm trước, đến năm Gia Long thứ 12 [1813], làng vạn còn mang tên Hoa Diêm. Năm vua Thiệu Trị lên ngôi [1841], chữ Hoa bị phạm húy, phải đổi thành chữ Tuyết. Hoa Diêm cũng như Tuyết Diêm đều có nghĩa là muối trắng tinh khiết (như hoa, như tuyết), vì thực tế nơi đây có đồng muối, trong bản đồ chữ Hán Đồng Khánh đia dư chí có ghi “Tuyết Diêm sản diêm” (làng Tuyết Diêm sản xuất muối). Muối được người Tuyết Diêm trải các thời kỳ làm nghề sinh sống, cho đến thập niên cuối thế kỷ XX thì chấm dứt.

        Ghi dấu ấn vào địa danh, nhưng nghề làm muối không phải duy nhất, càng không phải nghề chính trong cuộc sinh tồn dài lâu của người Tuyết Diêm.

(more…)

Tháng Ba 28, 2024 at 3:39 sáng Bình luận về bài viết này

Older Posts


LỜI GIỚI THIỆU

SẮC MÀU THỜI GIAN Chuyên trang Văn học - Nghệ thuật. Giới thiệu: về vùng đất và con người Quảng Ngãi, các tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Nơi gặp gỡ, giao lưu của bạn bè gần xa. Thân mời các bạn cộng tác. Thư từ, tác phẩm xin gởi về: Hồ Nghĩa Phương, Email: honghiaphuong@gmail.com

Bài viết mới

LƯỢNG TRUY CẬP

  • 484 166 Người

Chuyên mục