Posts filed under ‘TRẦM THỤY DU’
CHÙM THƠ: TRẦM THỤY DU
CHÙM THƠ: TRẦM THỤY DU
- NHỚ MỘT VẦNG TRĂNG (trích)
Như chiếc lá cuối mùa rơi lặng lẽ
Buổi đầu thu trời chớm gió heo may
Anh vẫn còn lang bạt cuối chân mây
Mơ phố xá với nụ cười em gái
Khi anh đến dòng sông còn bé dại
Chiều thênh thang tiếng hát một loài chim
Đường em qua, ôi lối cỏ xanh êm
Xin bước nhẹ kẻo đau lòng anh lắm
Anh đã đến những chân trời vạn dặm
Mà vẫn thương đường cũ lá thu bay
Thương ngày xưa em gái mắt thơ ngây
Gối sách vở nằm mơ ngày khai giảng
Giờ có lẽ đã xa rồi bè bạn
Sân trường xưa cỏ lá cũng thôi xanh
Nhưng vẫn còn em gái giữa tim anh
Màu áo lụa mắt trời xanh khép nép
Bàn tay nhỏ lúc anh cầm cuống quít
Như vẫn còn hơi ấm buổi trao thư
Hạnh phúc là một phút ấy phù du
Hỡi em gái, tội nghiệp tình ta quá
…
Không còn thấy tên học trò kiêu ngạo
Hồn đầy trăng đi dưới bóng cây xanh
Không còn nhìn em áo lụa mong manh
Ngày hai buổi tóc bay ngoài cửa lớp
Nay anh chỉ còn chút hồn thơ mộng
Nhớ ngày xưa như nhớ một vầng trăng.
(1975)
LÁI NHƯ ANH DU
Đọc lại bài viết về nhà thơ Trầm Thụy Du của RỐN CẮT LẦM đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định tháng 8 năm 2014 để tưởng nhớ anh- nhà thơ- Tổng biên tập tạp chí Sông Trà- một con người hài hước và sống chí tình với anh em, bạn bè…
LÁI NHƯ ANH DU
Rốn cắt lầm (Trần Quang Khanh)
Anh Du là bút danh làm thơ- nhà thơ Trầm Thụy Du- còn tên thật của anh là Dương Thành Vinh. Nếu cho rằng “đặc sản” của Quảng Ngãi (cùng với Quảng Nam và Bình Định) là nói lái thì anh Du luôn là “đặc sản” được xếp đầu bảng. Bất cứ điều gì anh cũng lái rất giỏi. Trong các cuộc nhậu mà thiếu “Du lái” là anh em mất vui. Mới đây, anh phát hiện ra một loại bia rất đặc biệt, đó là “bia nhàu”. Anh hỏi cả bàn: “Tụi bây đã uống bia nhàu chưa?”. Cả bọn nhôn nhao: “Có rượu nhàu để uống chữa bệnh cao huyết áp chứ làm gì có bia nhàu cha nội?”. Anh cười móm mém: “Nhàu đây là “nhàu nhin” đó! Uống bia mà không có “nhà tài trợ” nên cứ “nhìn nhau” mỗi khi sắp kết thúc cuộc nhậu. He he”. Nói rồi anh hát vang: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai, ai cũng gọi một vài chai, nhưng mà đứa nào trả tiền”. Cả đám cười … phọt bia luôn! Cũng xin nhắc lại chuyện “độ” bài hát này của nhạc sĩ Trần Long Ẩn một chút. Cách đây hai năm, mấy nhạc sĩ ở TP HCM về Quảng Ngãi công tác, anh em văn nghệ Quảng Ngãi có dịp lai rai (không uống “bia nhàu”) với số nhạc sĩ này. Trong cuộc vui, Du lái cũng đã từng hát vang câu hát trên khiến nhạc sĩ họ Trần… xỉu luôn vì “độ chế” quá xuất sắc- như lời ông thừa nhận.
TIN BUỒN
TIN BUỒN
Nhà báo, nhà thơ Dương Thành Vinh (Trầm Thụy Du) sinh năm 1955,
Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi kiêm Tổng biên tập Tạp chí Sông Trà.
Sau một thời gian điều trị bệnh đã mất lúc 5 giờ 30 ngày 26/5/2016 tại tư gia hẻm 39/13 Lê Ngung, phường Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi.
Xin chia buồn cùng tang quyến nhà thơ Trầm Thụy Du và chia sẻ tin buồn trên đến bạn bè gần xa biết.
THƯƠNG ĐÔI TÀ ÁO MỎNG
Trầm Thụy Du (Tp Quảng Ngãi)
THƯƠNG ĐÔI TÀ ÁO MỎNG
Như chồi non lá mới
Em đi qua đời tôi
Phất phơ tà áo mỏng
Nhẹ tựa làn mây trôi
Cầm tay em buổi nọ
Nghe chim ca rộn ràng
Tôi ngỡ thời trai trẻ
Hát lên lời thanh xuân
Áo hoa và cặp sách
Em tung tăng đến trường
Môi hồng cười trong nắng
Thở cho làn sương tan
Có điều chi bối rối
Trong mắt tôi thầm thì
Tưởng như mình có lỗi
Khi mùa xuân qua đi.
Tháng Mười Hai 25, 2014 at 7:53 sáng Bình luận về bài viết này
Phạm Văn Hoanh và “Đằng sau câu nói”
Phạm Văn Hoanh và “Đằng sau câu nói”
(Báo Quảng Ngãi)- “Đằng sau câu nói” là tập tản văn của tác giả Phạm Văn Hoanh vừa ra mắt bạn đọc trong chương trình tài trợ quảng bá tác phẩm của Hội VHNT Quảng Ngãi – 2013. Anh quê ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), hiện đang dạy học ở xã Bình Tân (Bình Sơn). Gắn bó với nghiệp văn và xem việc dạy văn, viết văn là lẽ sống của mình, Phạm Văn Hoanh đã lặng lẽ làm bạn với những trang viết và đã có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng ở Trung ương và địa phương. “Đằng sau câu nói” là tác phẩm nói về những hoài niệm của anh về làng quê trong ký ức với những con đường ngập nắng, thắp lên lửa phượng ngày hè và những cơn mưa phùn heo hút gió mùa đông.
(more…)
Nguyễn Mậu Chiến- Vẫn chảy xuôi một khúc sông quê
Nguyễn Mậu Chiến- Vẫn chảy xuôi một khúc sông quê
(Báo Quảng Ngãi)- Chắt chiu cả một đời lặng lẽ làm thơ, ở cái tuổi chạm ngưỡng sáu mươi xuân, Nguyễn Mậu Chiến mới có riêng cho mình một tập thơ mang tựa đề, chỉ cần đọc khẽ thôi cũng nghe lòng man mác: “Sông quê vẫn chảy”. Tập thơ xuất bản theo chương trình tài trợ xuất bản, quảng bá tác phẩm của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi năm 2013.
Anh sinh ra, lớn lên và gắn cả cuộc đời mình với mảnh đất Mộ Đức, con người ấy mang nét chân quê, sống thực thà với anh em, bè bạn. Làm thơ lặng thầm như trải lòng mình qua từng con chữ. Thơ của Nguyễn Mậu Chiến như hạt lúa, củ khoai lớn lên dâng trọn cho đời qua cái cảm, cái nghĩ chân chất của người nông dân một nắng hai sương trên đồng, dưới bãi. Tôi đọc và yêu giọng thơ rất riêng của Nguyễn Mậu Chiến từ rất lâu. Thơ như vận vào người anh, cứ hồn nhiên như nói lên, hát lên giữa đất trời cao rộng mà nghe sao thấm đẫm một nỗi niềm yêu thương gia đình, bè bạn, cuộc đời đến vậy!
Nguyễn Trung Hiếu: Một đời thơ – những lời tâm sự
Nguyễn Trung Hiếu: Một đời thơ – những lời tâm sự
NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tập thơ Nguyễn Trung Hiếu, đây là tập thơ thứ 7 của nhà thơ được ấn hành. Ngoài tám mươi xuân, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Nguyễn Trung Hiếu vẫn yêu đời, vẫn khát khao với cuộc sống, cháy hết mình qua từng trang thơ.
Trong tập thơ vừa được xuất bản, ông trở về với những hoài niệm thời chiến tranh. Vẫn còn nguyên trong thơ ông những khắc khoải của những tháng ngày trong tầm pháo địch, những kiên trung và hèn nhát của từng con người đi qua chiến tranh. Ngọn đèn của mẹ C, nơi là cơ sở đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Nghiêm từ những năm 1930 – 1931 vẫn sáng mãi trên trang thơ, làm ấm lòng chúng ta khi nhớ về buổi bình minh của lịch sử cách mạng ở một miền đất kiên cường, bất khuất, hứng chịu nhiều gông xiềng, máu lửa như Quảng Ngãi.
Nhân Ảnh – Gửi chút Tình sương cho Thạch Bích quê mình
Nhân Ảnh – Gửi chút Tình sương cho Thạch Bích quê mình
(QNg)- Thạch Bích là một ngôi làng nhỏ nay thuộc tổ 1, phường Lê Hồng Phong (TP Quảng Ngãi). Đó là nơi cậu bé Nhân Ảnh (Nguyễn Nhẫn) cất tiếng khóc chào đời, được nuôi lớn bằng lời ru của mẹ, giọt mồ hôi nhọc nhằn của cha, để anh vươn cao, bay xa vào đời. Nguyễn Nhẫn hiện là giáo viên dạy Toán, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhưng anh yêu thơ, làm thơ từ thuở nhỏ.
Anh đã in chung với Đình Miễn tập thơ “Quê mẹ đường về” và đầu năm nay, anh trình làng tập thơ riêng đầu tiên với tựa đề “Tình Sương Thạch Bích”, tập thơ dày gần 300 trang, khổ 14×20,5cm, tập hợp, tuyển chọn phần tinh túy nhất từ cả đời xướng họa, do NXB Thông Tấn ấn hành. Thơ Nhân Ảnh là những hoài niệm khôn nguôi về quê hương Quảng Ngãi với núi Ấn, sông Trà và song thân phụ mẫu nay đã cưỡi hạc, quy tiên. Đó là tình cảm tha thiết của anh về một quãng đời học sinh ngày hai buổi dưới mái trường trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn thân yêu.
Bùi Văn Cang và “Chút hương cố xứ”
Bùi Văn Cang và “Chút hương cố xứ”
(QNg)- Bùi Văn Cang vừa trình làng tập thơ thứ hai mang tựa đề “Chút hương cố xứ”, sau tập “Bóng thời gian” do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành năm 2007. Anh được kết nạp hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi từ rất sớm. Làm thơ từ trước 1975, khi còn là một cậu học sinh trung học Trần Quốc Tuấn.
Bùi Văn Cang được bạn bè thương quý bởi khí chất hào sảng và khiêm cung với bằng hữu, trải hết mình trong thi ca với một giọng điệu hoài cổ lãng đãng. Anh để lại dấu ấn trong lòng thi hữu và những người yêu thơ quê nhà bởi cách dùng từ và nhạc điệu thơ rất riêng, không lẫn vào đâu được. Tôi đã từng sống với anh cả một thời cắp sách với những sẻ chia về niềm vui nỗi buồn trên bục giảng và cả ngoài cửa lớp. Anh đã hoài niệm những ngày tháng đó qua một khúc Sông Trà với những lần trốn học cùng bạn bè vẫy vùng trong sông nước quê nhà: “Con nước kia dù mãi mãi ra đi/ Còn để lại cảm hoài nơi bến vắng/ Còn đọng lại giữa hai bờ mưa nắng/ Mắt sông xưa soi óng ánh thời gian” (Khoảnh khắc Sông Trà thu thơ ấu)
(more…)
Duy Vũ ra mắt tập ca khúc Hồn quê
Nhạc sĩ Duy Vũ
Duy Vũ ra mắt tập ca khúc Hồn quê
Nhạc sĩ Duy Vũ, giáo viên âm nhạc, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi vừa giới thiệu với ban bè tập ca khúc Hồn quê. Được xuất bản theo chương trình quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 2012, tập ca khúc gồm 34 ca khúc máu thịt của anh viết về quê hương, tình yêu, tình bạn, mái trường… Nhà thơ Trầm Thuỵ Du đã giới thiệu tập ca khúc này như sau.
Bình luận mới nhất