DƯ BA TIẾNG “CHUÔNG LÒNG” CỦA NHÀ THƠ MINH ĐOÀN
Tháng Mười 28, 2022 at 3:52 sáng Bình luận về bài viết này
DƯ BA TIẾNG “CHUÔNG LÒNG” CỦA NHÀ THƠ MINH ĐOÀN
Tôi quen Minh Đoàn – Hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi từ 12 năm về trước, khi cùng giao lưu thơ trên trang Blog Yahoo.com với nickame là “Trai Xứ Quảng”. Cùng là giáo viên dạy văn, cùng thiên về viết thơ trữ tình, chúng tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết dù Minh Đoàn ít tuổi hơn tôi, dù chúng tôi cũng chưa từng gặp gỡ nhau ngoài đời.
Năm 2014, trước khi in tập thơ đầu tay có tên là “Miền nhớ”, Minh Đoàn ngỏ ý nhờ tôi đọc trước và viết vài lời cảm nhận cho tập thơ. Tôi vui vẻ nhận lời và thực sự xúc động khi đọc bản thảo tập thơ thấm đẫm trữ tình của Trai Xứ Quảng.
Từ đó đến nay,tình bạn của chúng tôi vẫn luôn khắng khít dù trải qua tuổi tác thời gian, dù mỗi người đều có công việc và hoàn cảnh riêng của mình. Lần này, Minh Đoàn lại bày tỏ mong muốn tôi đọc trước và viết vài lời cảm nhận cho tập thơ mới của anh.
Đọc tập thơ “CHUÔNG LÒNG”, tôi cảm nhận được trong tập thơ này của anh có những đổi mới so với tập thơ trước kể cả hình thức thể hiện lẫn cách biểu đạt ý. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là hầu hết các bài thơ trong tập thơ này đều ngắn nhưng hàm xúc, chất suy tư nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn và cũng thực tế nhiều hơn:
“Nếu biết ngày xưa
không trở lại
Thời gian vết xước sẽ khô dần
Buồn vui kỷ niệm chôn tiềm thức
Chuông lòng ngày tháng sẽ thôi ngân”.
(Chuông lòng)
“Nếu biết”, cụm từ nói ra tưởng chừng đơn giản thế mà tác giả phải đánh đổi bằng cả một tuổi thanh xuân đầy xót xa nuối tiếc, cho đến khi tóc đã pha sương mới nhận ra:
“Xòe tay đếm cuộc phong trần
Ngẩn ngơ tiếc nửa vầng trăng thuở nào”.
(Vô đề 2)
“Chuông lòng” của Minh Đoàn đem đến cho độc giả thông điệp: Ai cũng có quá khứ không thể nguôi quên nhưng hãy để nó ngủ yên trong tiềm thức. “Chuông lòng” thôi ngân trong quá khứ mà cần, rất cần ngân trong hiện tại, tương lai…
Cũng như thế, 14 khúc vô đề là chiêm nghiệm của anh khi thực tế cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như mơ ước, không đẹp như vẻ hào nhoáng bên ngoài ta nhìn thấy:
“Mải nâng niu hoa hồng
Vô ý chạm phải gai
Giật mình thu tay lại
Máu phụt thành dòng dài”.
(Vô đề 1)
“Giữa hai miền tối sáng
Đâu là thực là hư
Trong mĩ miều lộng lẫy
Sự thật là thế ư?”
(Vô đề 14)
Thơ Minh Đoàn không quá chú trọng trau chuốt ngôn từ, tìm tòi hình thức biểu đạt ý tưởng mà để tâm bày tỏ cảm xúc chân thực của lòng mình. Sự chân thành trong thơ luôn có lối đi riêng, có sức mạnh riêng của nó nên “Chuông lòng ” chắc chắn sẽ nhận được sự đồng vọng của nhiều độc giả, như các cụ xưa thường nói: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
“Chuông lòng” không phải không có những phút giây luyến tiếc, ngậm ngùi, xót xa trước cái hữu hạn, cái vô thường của cuộc đời:
“Bấp bênh giữa cái chợ đời
Mãi mơ còn lại chút thời xuân xanh
Giật mình đảo mắt nhìn quanh
Mới hay nắng đã vàng hanh cuối đồi”.
(Phận người)
“Có gì
vừa mới tàn phai
Dường như là giọt sương mai trên cành?
Có gì
vừa mới trôi nhanh
Như là bước vội cuộc tình thoắt qua?”
(Có gì)
Tâm hồn tinh tế, đa cảm của người thơ ấy dường như rung lên, thấm vào cảnh vật, vào cái vô hình không cầm nắm được?
Anh cũng không tránh khỏi những phút giây yếu lòng, cô đơn:
“Ta rất sợ mai này nơi ngàn thẳm
Mưa nửa chiều làm mây núi mờ xa
Tiếng sấm động dội sâu vùng ký ức
Giữa lưng đèo trơ trọi mỗi mình ta”.
(Sợ)
Con người đang sung sức, phơi phới là thế, bỗng dưng phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo thì không khỏi giật mình, choáng váng cũng là một lẽ thường tình!
Nhưng bao trùm lên cả tập thơ “Chuông lòng” là tâm thế của một nhà giáo – một người làm thơ rất giàu tình cảm mà cũng rất bản lĩnh, lý trí, thấu hiểu lẽ đời nên sống an nhiên tự tại, yêu đời tha thiết ngay cả khi biết mình đang lâm trọng bệnh:
“Ta dặn lòng ta không được khóc
Nước mắt không xanh được cuộc đời
Cuộc đời đẹp lắm đừng ảo não
Cứ giữ trên môi trọn nụ cười”.
(Dặn lòng mình)
“Vững tay nhé ông lái đò
Con thuyền đang cơn sóng gió
Không để chênh vênh nghiêng ngả
Dẫu cho móp vẹo mạn thuyền”
(Vang khúc hải hà)
Phải chăng lời động viên ông lái đò cũng là lời Minh Đoàn đang tự động viên, nhắc nhủ mình hãy kiên cường hơn lên, dũng cảm hơn lên, chống trọi với sóng gió vì mình và vì tất cả bao người yêu thương mình?
Xem trang Facebook của Minh Đoàn, tôi rất xúc động khi thấy buổi tối hôm nào anh đang ngồi cùng các bệnh nhân trong Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng lắng nghe mọi người đàn hát, môi luôn nở nụ cười tươi như chưa hề lâm trọng bệnh. Sau nhiều lần trị liệu, Minh Đoàn nom có gầy đi đôi chút song nụ cười, ánh mắt, cử chỉ vẫn rất thần thái, lạc quan. Có rất nhiều người vào bình luận, nhận xét anh thật quá tuyệt vời, bởi anh luôn yêu đời, tin tưởng vào nghị lực của mình. Ai cũng cầu chúc cho anh chóng khỏe và nhất định sẽ khỏe để trở về với cuộc sống yên bình như xưa. Ngoài gia đình, còn có rất nhiều bạn thơ, đồng nghiệp và học trò đến thăm anh. Anh đáp trả ân tình của mọi người bằng mấy dòng cảm tác:
“Sá gì cái bệnh cỏn con
Còn trời còn nước còn non còn người
Đã sống thì hãy cứ vui…”.
Quý lắm cái khẩu khí đầy tinh thần lạc quan yêu đời của “Trai Xứ Quảng”. Tôi bỗng hiểu sao trên mạng và ngoài đời, anh luôn được mọi người quan tâm, yêu quý đến thế!
“Văn là người” và “thơ cũng là người”. Với Minh Đoàn, thơ chính là anh vậy!
Hãy nghe anh viết về các Đấng sinh thành ra mình:
“Con về với tuổi thơ xưa
Thời cha cõng nắng đội mưa đêm ngày…”.
Nhớ đến cha là nhớ đến công lao như núi Thái Sơn của Người “một mình làm việc bằng hai” để “nuôi đàn con dại” khôn lớn trưởng thành. Không còn mẹ thì tất cả trông chờ vào cha. Rồi đến lúc cha đi, con bơ vơ hụt hẫng, tự bước giữa cuộc đời:
“Khát khao cha cõng trên lưng
Đời con phía trước vô cùng cha ơi!
Giờ đây cha đã đi rồi
Nhấp nhô độc bước giữa đời mình con”.
(Cha ơi)
Với mẹ, như tất cả những người con trên thế gian này, Minh Đoàn thấy mình mãi nhỏ bé trước tình yêu bao la nhân từ của Người:
“Đã hơn năm chục năm qua
Giờ con đã già nhưng sao cứ nghĩ mình còn bé
Khi con nhìn lên di ảnh mẹ
Mẹ lại hiện về trong tuổi trẻ chúng con”.
(Di ảnh mẹ)
Hình ảnh người mẹ “xõa cánh che con” trong “mưa dầm rét buốt” ở bài thơ “Mẹ ơi” thật cảm động. Mẹ tuy mất sớm nhưng cha thay mẹ nuôi nấng các con nên người. Lớn lên trong hoàn cảnh đó, chàng “Trai Xứ Quảng” đã thừa hưởng từ mẹ cha những điều tốt đẹp nhất. Lòng yêu thương, vị tha, nhân hậu, luôn sống vì mọi người…
Lớn lên, anh toại nguyện ước mơ của mình: Làm người thầy đứng trên bục giảng. Những dòng thơ anh viết về mái trường, về tình đồng nghiệp, về tình thầy trò sao mà tha thiết, thân thương đến thế!
Thời đại công nghệ 4.0 đem đến bao tiện ích cho con người. Nhờ có internet, bạn bè đồng nghiệp cũ sau hơn Ba mươi năm xa cách lại được hội ngộ bên nhau, dù “ tóc xanh giờ đã ngả màu”:
“Vui buồn in đáy mắt
Ngậm ngùi ôn lại chuyện xưa
Tiếc thương người đã mất
Vòng tay bạn bè xiết chặt…”.
(Tự cảm)
Tâm tình với các bạn đồng nghiệp, “Trai Xứ Quảng” có bài thơ ví von độc đáo “Nói với tằm”:
“Cho đời gấm đẹp, lụa trơn
Tằm đâu tính thiệt, so hơn phận mình
Đời Tằm dù có chông chênh
Tằm ơi! Giữ sạch lòng mình Tằm nghe”.
Tác giả nhắc đến tình bạn hồn nhiên, gắn bó keo sơn của “Ba thằng bạn”:
“Mày, Nó và Tao là bạn
Thân nhau từ thuở hàn vi
Chia nhau chung một điếu thuốc
Sẻ nhau vài mẩu củ mì”.
“Ba thằng bạn” mỗi đứa một tính cách riêng nhưng cùng yêu sự nghiệp trồng người, ra trường hai người bạn về xuôi, còn Minh Đoàn xung phong lên mạn ngược. Cho đến lúc về hưu dù gia cảnh mỗi người khác nhau nhưng tình bạn mãi vẹn nguyên như thuở ban đầu.
Về hưu rồi, trong lòng thầy giáo dạy văn yêu nghề mến trẻ ấy vẫn mãi bâng khuâng lưu luyến mái trường xưa – nơi lưu giữ bao kỷ niệm vui buồn một thời trai trẻ của mình:
“Sân trường luênh loáng nắng trưa
Bằng lăng tím ngắt chờ mưa chưa về
Sông trời chảy cuộn nhạc ve
Thầy trò ngơ ngác:
Hè về rồi sao?”
(Hè về)
“Nhớ sao hàng cây xanh mát
Theo ta bao mùa khai trường
Lối xưa nhuộm màu tím ngắt
Lâng lâng hồn thu vương vương”.
(Nhớ thu )
Thật xúc động khi thấy trên trang Facebook của người thầy đáng kính, hình ảnh học trò cũ đến thăm thầy động viên thầy gắng sức vượt qua cơn bạo bệnh.
Hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi người là được sống trọn vẹn với nghề mình yêu và sống trọn vẹn, chung thủy với người mình yêu. Minh Đoàn thật hạnh phúc vì có cả hai thứ đó!
Cũng như bao thanh niên mới lớn, tuổi thanh xuân của “Trai Xứ Quảng” tràn đầy mộng mơ, lãng mạn. Sở hữu vẻ bề ngoài điển trai, hào hoa, thanh lịch lại giàu tình cảm và có lắm tài lẻ, thời trẻ có biết bao bóng hồng vây quanh chàng. Có những lúc tuy rất đau lòng vì ngộ ra một cuộc tình mơ hồ, ảo vọng không có hồi kết nhưng anh vẫn chủ động tỏ thái độ dứt khoát cho cả hai được thanh thản đi tìm hạnh phúc mới:
“Em đi đi!
Đừng dùng dằng tiếc nuối
Chốn không nhau từ buổi đoạn li tình…
Giữ làm gì nguyên vẹn chữ trung trinh ?
Đừng iu ấp một mối tình sương khói”.
(Cuộc tình cong)
“Trai Xứ Quảng” cũng từng trải qua mối tình rất đẹp nhưng vì một hoàn cảnh nào đó không thể được chung sống bên nhau, anh đã ứng xử thật đàng hoàng, cao thượng:
“Chưa là trái thì là hoa
Không là biển cả thì là suối sông
Không nên tình nghĩa vợ chồng
Hãy là tri kỷ trọn lòng bên nhau”.
(Xin là tri kỷ một lòng bên nhau)
Và, may mắn thay, Minh Đoàn đã gặp được người vợ “tâm đầu ý hợp”, nắm tay nhau đi trọn cuộc đời. Trong tập thơ “Chuông lòng”, anh ưu ái, trân trọng dành thời lượng lớn để viết những vần thơ ca ngợi vợ, bày tỏ lòng cảm phục, biết ơn và tình yêu sâu sắc dành cho vợ. Anh thật khiêm nhường khi nói về nhan sắc vợ mình:
“Vợ tôi không đẹp như người
Với tôi em chiếm điểm mười trong tâm”.
(Vợ tôi)
Thủ pháp nghệ thuật bắc cầu khéo léo của tác giả cho ta thấy quan điểm về tình yêu, hôn nhân của anh rất dứt khoát rõ ràng, đề cao chú trọng nội tâm, đức hạnh của người phụ nữ “đầu ấp tay gối” với mình.
Đã hơn một lần tôi được nghe “Trai Xứ Quảng” tâm sự về người bạn đời của mình với một giọng rưng rưng xúc động và niềm tự hào không hề giấu giếm: “Vợ mình là một cô gái thôn quê chân chất, chịu thương chịu khó. Lấy nhau trong thời bao cấp rất khó khăn. Chồng lên công tác tận miền ngược, vợ bồng bế con theo chồng để chăm sóc chồng con. Suốt đời cô ấy chỉ biết hy sinh cho chồng con, nhận thiệt thòi về phận mình. Cô ấy luôn là hậu phương vững chắc để mình yên tâm công tác, để cùng nuôi dạy các con trưởng thành…”.
Với Minh Đoàn, vợ luôn là “vầng trăng âm thầm lặng lẽ soi đường ta đi” anh nhìn mãi “vết lăn trầm thẫm bờ mi” lòng dậy lên bao xót xa, thương cảm.
Minh Đoàn từng ví hạnh phúc như một bức tranh mà anh chọn màu xanh làm nền, để anh:
“Vẽ biển biếc
Vẽ trời xanh
Và em nắm chặt tay anh suốt đời!”
(Bức tranh hạnh phúc)
Thật lãng mạn, thật thi vị khi tình yêu sắt son chung thủy của họ được người chồng lồng trong không gian bao la, rộng lớn, thanh bình! Phải có một trái tim yêu thương, nâng niu trân trọng vợ, sâu nặng ân tình biết chừng nào mới có thể viết lên được những câu thơ gan ruột đến thế!
Qua tuổi “tri thiên mệnh”,Trai Xứ Quảng ngộ rõ quy luật của con người cũng giống quy luật của thiên nhiên không tránh nổi sẽ có ngày tàn phai:
“Thu giấu tàn phai trong sắc lá
Đông giấu tàn phai trong buốt giá
Thời gian trôi qua
Giấu tàn phai
Trong nhịp đời
Hối hả
Và em
Em giấu tàn phai
ở nơi đâu?”
(Ta giấu tàn phai trong nhau)
Lặng lẽ ngắm “đôi mắt hõm sâu”, “đôi môi nhợt nhạt màu, tím tái” anh xót xa thương cảm người bạn đời đã vì chồng vì con mà tiều tụy, tàn phai. Anh động viên vợ “ta giấu tàn phai trong nhau”, “ta giấu tàn phai trong nụ hôn nồng nàn thuở nào”. Có lẽ tất cả các người vợ trên thế gian này cũng chỉ mong khi qua thời son trẻ, nhan sắc mình phai tàn, vẫn được chồng yêu thương chân tình đến thế!
“Thu rồi!
Lá sắp thôi xanh
Tay tôi nắm chặt tay mình
Mình ơi!
Vợ chồng như dép một đôi
Buồn vui sướng khổ trọn đời có nhau”.
(Mình ơi!)
Và hơn lúc nào hết, trong cơn mê man đau đớn về thể xác, mở mắt ra, anh lại nhìn thấy hình ảnh gần gũi,thân thương của người vợ hiền luôn kề vai sát cánh bên mình: “Vẫn là màu trắng tinh khôi/ Vẫn là em giữa cuộc đời bon chen” (Vẫn là).
Tình yêu chân thành cảm động của đôi vợ chồng ấy đã đơm hoa kết trái. Họ sinh ra hai người con đẹp đẽ, giỏi giang, thành đạt và hiếu thảo: Cô chị tốt nghiệp Đại học Kinh tế, ra trường làm việc rồi đi tu nghiệp và lấy chồng ở nước ngoài, dù xa bố mẹ hơn nửa vòng trái đất, vẫn luôn đau đáu nhớ về quê hương, gia đình; Cậu em trai kém chị đến bảy tuổi đã tốt nghiệp Đại học Y dược, đang là bác sĩ tại một bệnh viện lớn trong tỉnh; cháu đã tình nguyện về lại quê nhà để vừa đóng góp kiến thức, kinh nghiệm của mình phục vụ cho quê hương mình vừa được gần gũi, phụng dưỡng bố mẹ khi tuổi cao, sức yếu…
Dù con đã trưởng thành, anh vẫn không quên “Dặn con”: Dẫu gặt hái được nhiều thành tích trên con đường học hành và công tác cũng không bao giờ được huênh hoang, tự mãn, mà càng phải khiêm nhường, phấn đấu không ngừng nghỉ, bởi “Ngọc mài mới sáng/ Trí động mới tinh/ Hãy tự dặn mình/ Suốt đời cố gắng/ Hãy đứng cho thẳng/ Chớ uốn cong lưng/ Chớ vội vui mừng/ Trước điều có được”.
Không theo nghiệp của cha, con trai Minh Đoàn trở thành bác sĩ nhưng vẫn giống cha mang trong lòng hồn thơ lai láng. Đọc thơ con trai viết tặng ba Minh Đoàn nhân ngày ba về hưu mới thấy người con thật thấu hiểu cha mình:
“Xa rồi phấn trắng bảng đen
Xa rồi tiết dạy, trường quen học trò
Đã qua băm chục chuyến đò
Tay chèo đã mỏi, giọng hò đã khan
Về làm tỉ phú thời gian
Thôi về vui với những trang thơ đời
Về bên người vợ tuyệt vời
Vui cùng con cháu, khoảng trời bình yên”.
(Đoàn Nguyễn Hoài Văn – “Thơ viết tặng ba”)
Tôi động viên bạn tôi rằng: Anh ấy đã có một hạnh phúc viên mãn mà biết bao người hằng ao ước. Bạn đã thêm rất nhiều năm tháng cho cuộc đời của mình, nói như Phùng Quán: Bạn đã “Vịn câu thơ mà đứng dậy”, vẫn viết tiếp cho đời những vần thơ ý nghĩa.
Đọc “Chuông lòng”, ta còn hiểu thêm về lẽ sống của chàng “Trai Xứ Quảng” chân tình, thẳng thắn và sâu nặng nghĩa tình .
Anh ghét sự bắt chước thụ động của con vẹt “cố nói theo tiếng người”, sự tham lam thực dụng của lũ kiến “cùng bâu tranh con mồi” và ước ao sống hiên ngang như con sóng “thênh thang giữa trùng khơi”, mong muốn đem hạnh phúc cho đời như “cánh én dệt mùa xuân vui tươi” và lưu lại tiếng thơm như “làn gió phả hương đi muôn nơi” (Tự khuyên mình).
Trong một bài “Tự khuyên mình” khác, Minh Đoàn muốn mình là “một tiếng chim quyên tháng ngày khắc khoải, triền miên” thủ thỉ bên “bạn tình”, lại muốn mình là “ngọn nến lung linh, cho đời tia sáng, cho mình niềm tin”, muốn mình là “một ánh trăng thanh, đừng làm ngọn gió vô tình lướt qua”:
“Dẫu về từ cõi phù hoa
Đừng mơ suối bạc tiên nga non bồng
Cuộc đời sắc sắc không không
Có không không có tại lòng mình thôi
Hãy là viên ngọc sáng ngời”…
Anh tự nhủ với lòng mình:
“Một chút hương dư dẫu muộn màng
Đang còn sót lại ở trần gian
Phả lên khóe mắt hôn bờ má
Cũng đủ làm ta bớt bẽ bàng”.
Đọc mà cay cay nơi sống mũi, đọc mà thương, mà cảm phục bạn mình quá! Cho dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, Minh Đoàn cũng chỉ muốn làm được những việc có ích cho người thân, cho cuộc đời.
Ngoài gia đình, bạn bè, Minh Đoàn còn quan tâm đến nhiều tầng lớp người trong xã hội. Anh động viên đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam, dẫu không đạt được cúp vàng U23 châu Á:
“Nhưng các em đã trở thành những chiến binh oai hùng nơi xứ lạ
Ngạo nghễ ngẩng cao đầu mang tầm vóc Á Châu…
Cả dân tộc mình gần trăm triệu con tim
Đang cùng các em trên con đường đi tới…”.
Anh thương cô gái bán hoa tươi nhân ngày Valentine “mang hạnh phúc cho người” mà mình âm thầm chịu nghịch cảnh:
“Người ta quấn quít bên nhau
Sao em deo dắt nỗi đau riêng mình”.
(Valentine của em)
Và bao la rộng lớn hơn là tình cảm keo sơn với những mảnh đất, con người nơi anh đã sống đã cống hiến suốt một thời trai trẻ: những Sơn Hà, Trà Giang, Quảng Ngãi… luôn đau đáu trở đi trở lại trong thơ anh với bao nỗi vui buồn, có cả nụ cười và nước mắt.
“Chuông lòng” là chính là tiếng lòng của nhà thơ, sẽ còn ngân vang mãi trong lòng những độc giả yêu thơ và yêu con người anh.
Sau những ngày giông bão, sau mất mát đau thương, trời xanh trong trở lại. Quy luật của thiên nhiên cũng giống như quy luật của con người vậy. Hãy vui lên Minh Đoàn nhé! Tôi xin mượn thơ của con trai anh để khép lại bài viết này:
“Về làm tỉ phú thời gian
Thôi về vui với những trang thơ đời
Về bên người vợ tuyệt vời
Vui cùng con cháu, khoảng trời bình yên”.
Lai Châu, ngày 8 tháng 7 năm 2022
Bùi Thị Sơn
Entry filed under: 2- GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI, MINH ĐOÀN.
Trackback this post | Subscribe to the comments via RSS Feed