Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ ra mắt Trường thiên thơ lục bát về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tháng Một 15, 2020 at 7:46 sáng Bình luận về bài viết này

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ ra mắt Trường thiên thơ lục bát về Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Sáng 13/12/2019, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bảo tổng và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức buổi ra mắt trường thiên sử thi về Chủ Tịch Hồ Chí Minh của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Bìa trường thiên sử thi “Một Người – Thơ – Tên gọi” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ”.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt trường thiên sử thi về Chủ Tịch Hồ Chí Minh của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ

Nguyễn Thế Kỷ đã thấu hiểu nguồn cơn, lịch sử và thời thế

Đến dự buổi ra mắt có nhiều nhà văn tên tuổi, nhiều nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và đông đảo báo chí Trung ương và địa phương. Chúng ta thấy nhà văn Vũ Hạnh, Gs.Trần Chúc, nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhà văn – nhạc sĩ Phạm Việt Long, nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, NSND Vương Duy Biên – Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL; nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Vũ Xuân Bân- TBT, PTBT Tạp chí điện tử  Văn Hiến Việt Nam; nhạc sĩ Nguyệt Thế Phiệt… Đặc biệt có sự hiện diện của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Hội VHNT, Sở VH,TT&DL tỉnh cùng các văn nhân từ miền Nam xa xôi cũng có mặt tại Hà Nội.

Nhà thơ Hữu Thỉnh tặng hoa chúc mừng nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ảnh Vũ Gia Hà.

Trường thiên sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh có tên “Một Người – Thơ – Tên gọi” ra đời nhằm hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trường thiên được Nguyễn Thế Kỷ dày công 10 năm sưu tầm tư liệu, sáng tạo nghệ thuật bền bỉ đã cho ra đời hơn 12.000 câu thơ lục bát về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tại buổi ra mắt sách “Một Người – Thơ – Tên gọi”. Ảnh Vũ Gia Hà.

Ngay đầu cuốn sách, Nguyễn Thế Kỷ viết:

“Sách này riêng để dành trang

Dòng thơ thay những dòng vàng biết ơn”.

Đánh giá về trường thiên sử thi của Nguyễn Thế Kỷ, nhà thơ Thanh Thảo viết: Đây có lẽ là một thường thiên lục bát dài nhất ở Việt Nam. Nguyễn Thế Kỷ viết trường thiên lục bát “Một Người – Thơ – Tên gọi” là một tác phẩm thơ, nhưng hành trình như một đoàn tàu chạy qua rất nhiều ga lịch sử có ga dừng lâu, có ga chỉ dừng dăm ba phút đoàn tàu lại nổi còi lên đường.

Nhà văn Vũ Hạnh. Ảnh Vũ Gia Hà.

Thơ trong trường thiên này luôn gắn liền với lịch sử như một dòng chảy liên tục. Nguyễn Thế Kỷ viết về Bác khi đã thấu hiểu nguồn cơn, lịch sử và thời thế. Đây là tác phẩm mà tác giả lao động cực nhọc, viết qua gần thập niên. Thanh Thảo thấy cảm phục trước tác phẩm và lao động cực kỳ nhẫn nại của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Nhà thơ Thanh Thảo dẫn ra một số câu thơ tiêu biểu trong trường thiên sử thi:

“Vừa rời Thiên Mụ, sông Hương

Sóng khơi lấp thấp, mây vương vướng đèo

Hoàng hôn nhuộm cảnh cheo leo

Đèn cao ai thắp hanh heo phố nào”.

“Lao xao gió rạch nương trầu

Cau không bửa sáu, lấy đâu mỏng dày

Đã đành một cuộc chia tay

Nghĩa trong biệt kiến, tình ngoài ly hương”.

“Tất Thành, đứng trước hoàng hôn

Nửa hồn đau nước, nửa hồn thương cha”.

“Thăng Long Văn hiến Tiên Rồng

Bốn nghìn năm hóa: Núi sông MỘT NGƯỜI”.

Đặng Vũ Minh trong thư gửi nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ thấy vui mừng và cảm động khi được đọc cuốn trường thiên sử thi này. Nhà văn Vũ Hạnh đánh giá việc sáng tạo trường thiên sử thi của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ là việc phi thường, cảm phục ở cái tuổi cao mà vẫn lao tâm vào việc đúc chữ, gò câu dai dẳng tháng năm. Nguyễn Thế Kỷ là người am hiểu, quảng giao rộng, thể hiện tấm lòng sâu đậm đối với đất nước, đối với Bác Hồ. 

Tiếng nói của Nguyễn Thế Kỷ là tiếng nói chung

Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá Nguyễn Thế Kỷ có nội lực và dồi dào sức viết, nhất là khi viết về Bác Hồ. Tờ báo Văn nghệ luôn dành sự trang trọng khi đăng các bài viết của ông và về ông. “Một người – Thơ – Tên gọi” tạo ra biên độ lớn, nó nói lên cảm nhận sâu sắc của tác giả với Bác Hồ, cũng như của nhân dân Quảng Ngãi nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với Bác Hồ.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã. Ảnh Vũ Gia Hà.

Tiếng nói của Nguyễn Thế Kỷ là tiếng nói chung. Cuốn sách ra đời lần này hết sức ý nghĩa, cũng là lúc chúng ta học tập theo Bác. Nhà thơ Hữu Thỉnh tin cuốn trường thiên sử thi này sẽ có sức sống lâu dài. Hội nhà văn Việt Nam xin gửi lời chúc mừng đến nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Ông Đặng Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nhà báo – Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa đánh giá cao tài thơ Nguyễn Thế Kỷ, không những thế, ông còn là người giữ gìn nghệ thuật sân khấu bài chòi nói riêng, nghệ thuật sân khấu nói chung. Ông Khoa ngạc nhiên khi đọc trường thiên sử thi này, cũng như cho biết nhà thơ Trần Đăng Khoa là một trong những người đầu tiên đã viết về tác phẩm thơ đồ sộ này. Có những chuyện về Bác được viết trong thơ mà chúng ta chưa biết. Nguyễn Thế Khoa bất ngờ tại sao Nguyễn Thế Kỷ lại miệt mài viết về Bác với thể thơ lục bát trong vòng 10 năm như vậy.

Gs.Trần Chúc. Ảnh Vũ Gia Hà

Gs.Trần Chúc, người bạn học của Nguyễn Thế Kỷ cho biết: Cầm cuốn sách thấy khâm phục ông, với tuổi gần 90, không biết ông Kỷ lấy sức đâu để viết. Gs.Trần Chúc kể lại nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ ngoài mê thơ còn thích kịch và luôn dẫn lớp đàn em (thời còn đi học) đi xem kịch.

Linh khí của núi Ấn sông Trà đã truyền cho ông Kỷ sức mạnh  cả thể chất và trí tuệ để ông ấy viết được trường thiên sử thi này. Viết về Bác là đề tài rất khó, vì có nhiều tác phẩm viết rất hay về Bác. Rồi cách chọn thể thơ lục bát, là thể thơ ai cũng làm được, nhưng làm được hay là rất khó. Nhưng ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc với thể thơ này, đề tài này. Gs.Trần Chúc đọc và nhớ nhiều câu trong trường thiên sử thi này.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã (đồng hương với nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ) đã xúc động khi nói về con người tài hoa này. “Một người thơ – tên gọi” đầy chất sống, ăm ắp tư liệu về lịch sử. Đó là kết quả từ sự thay đổi lớn lao của ý chí, và sự trải nghiệm hoan lạc của một con người, khi “cái biết” đã tròn đầy như quả chín, và hương thơm vi diệu của đức nhân lan tỏa”. Thời đại ông đã đi qua chiến tranh, vẫn còn đó những vang vọng, nhưng cánh cửa thi ca mới đã mở ra, tiếp nhận nhiều dòng chảy mới, những suy tưởng về tinh thần, và giá trị vô biên của đời sống con người.

Ông yêu kính vẻ đẹp cao cả của bậc vĩ nhân HỒ CHÍ MINH. Ông cất lên điệu lục bát là điệu hồn dân tộc, với những câu chữ bình thường mà thâm thúy, gần gũi, súc tích. Trường thiên sử thi còn truyền dẫn lòng yêu nước, yêu Bác Hồ. 

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu dự lễ. Ảnh:  AnhThắng.

Ông Đặng Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cảm thấy tự hào về nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, ông coi Nguyễn Thế Kỷ là tấm gương sáng về lao động nghệ thuật mà các thế hệ sau phải noi theo. Qua trường thiên sử thi, Nguyễn Thế Kỷ cho chúng ta thấy lòng kính yêu hơn về Bác Hồ vĩ đại. Nhà văn Vũ Bình Lục cho rằng, trường thiên sử thi là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn, sinh động của Bác Hồ với tiến trình lịch sử dân tộc. Nguyễn Thế Kỷ hiểu biết về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phong phú cả phương Đông và phương Tây. Vũ Bình Lục gọi trường thiên sử thi là một kỳ công. 

Nhà văn Vũ Bình Lục. Ảnh Vũ Gia Hà.

Đạo diễn – NSƯT Lê Chức thấy nể phục và kính trọng nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Lê Chức còn gọi Nguyễn Thế Kỷ là “Người Thơ”. Trần Xuân Chiến – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi nhắc lại những cống hiến lớn lao của Nguyễn Thế Kỷ với Hội nhà, cũng như coi Nguyễn Thế Kỷ là bậc tiền bối cả trong đời sống và trong lao động nghệ thuật. 

Nhà thơ, Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ quê quán xã Nghĩa Trung (nay là thị trấn La Hà), huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Hội viên Hội văn Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Viên Hội Nhà báo Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thế Kỷ năm nay vừa tròn 89 tuổi. Ông đánh dấu tuổi đời ngót 90 của mình bằng việc ra mắt tập thơ gồm 12.826 câu thơ lục bát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một người – Thơ- Tên gọi” (NXB Hội Nhà văn). Theo tác giả, ông đã viết tập trường ca này vì tình yêu thầm lặng với vĩ nhân của dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả vì tình yêu mãnh liệt với đất nước mình. Với trường thiên lục bát này, tác giả Nguyễn Thế Kỷ thông qua một người con vĩ đại của dân tộc là Chủ tịch Hồ Chí Minh để đi suốt chiều dài lịch sử 4.000 năm của dân tộc. Tác giả tôn trọng lịch sử và đặt nhân vật chính của trường ca vào dòng chính lưu của lịch sử.

Theo Vũ Gia Hà (Tạp chí điện tử Văn Hiến- vanhien.vn)

 

Entry filed under: 2- GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI.

CHÙM THƠ LÊ THANH HƯNG (Bình Thuận) CHỌN TUỔI XÔNG NHÀ ĐẦU NĂM & VÀI LƯU Ý CẦN BIẾT

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


LỜI GIỚI THIỆU

SẮC MÀU THỜI GIAN Chuyên trang Văn học - Nghệ thuật. Giới thiệu: về vùng đất và con người Quảng Ngãi, các tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Nơi gặp gỡ, giao lưu của bạn bè gần xa. Thân mời các bạn cộng tác. Thư từ, tác phẩm xin gởi về: Hồ Nghĩa Phương, Email: honghiaphuong@gmail.com

Bài viết mới

LƯỢNG TRUY CẬP

  • 480 378 Người

Chuyên mục