VŨ HỒ VỚI “ NỖI BUỒN TRĂM NĂM”

Tháng Mười Hai 22, 2010 at 5:50 sáng Bình luận về bài viết này

VŨ HỒ VỚI “ NỖI BUỒN TRĂM NĂM”
.Lê Ngọc Trác

Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng sông Vệ, một làng quê nghèo, bao đời chuyên sống bằng nghề nông. Trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ 20, làng quê còn “ một chút” thanh bình. Sau những ngày đồng áng vất vả, một số người dân quê tôi thường hay tổ chức đá gà. Thuở còn bé, những ngày nghỉ học, tôi thường đi xem đá gà. Trong khung cảnh sôi động ở trường gà, nhiều người vung tay, múa chân, khàn giọng hò hét thách đấu theo trận đá gà, tôi thấy có một người trung niên: vầng trán rộng, đeo đôi mắt kính, nghiêm nghị, áo quần bảnh bao âm thầm theo dõi trấn đấu gà, không hò hét như những người xung quanh. Hình ảnh ấy đã tạo ấn tượng trong tôi. Tôi tò mò, hỏi ba tôi về người ấy. Ba tôi cho biết: “Lão ấy tên là Hai Nhơn, dạy học…và làm thơ hay lắm”.Sau này, ba tôi hoạt động cách mạng bí mật, bị bắt ở tù. Hằng tháng, đi thăm nuôi ba, khi đi ngang qua thị trấn Sông Vệ, thỉnh thoảng tôi gặp lại người mà ba tôi đã từng giới thiệu: “ Lão ấy làm thơ hay lắm!”. Những lần gặp nhau vội vàng ấy, ông đều ân cần hỏi thăm tình cảnh gia đình tôi hiện tại và gửi lời thăm ba tôi ở trong tù.
Từ những kỷ niệm ban đầu ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu về ông và thơ của ông.
Ông tên thật là Võ Tấn Nhơn, bút danh Vũ Hồ, sinh năm 1932 tại Sông Vệ – Quảng Ngãi ( hiện nay, thường trú tại thị trấn Sông Vệ- Tư Nghĩa- Quảng Ngãi).
Vũ Hồ xuất hiện trên thi đàn miền Nam cùng thời với: Ngũ Hà Miên, Phan Nhự Thức, Đinh Hoàng Sa, Khắc Minh, Luân Hoán, Lê Vinh Ninh, Trào Phúng…là những cây bút đã từng sống, gắn bó đời mình với miền núi Aán, sông Trà.
Năm 1963, Vũ Hồ xuất bản tập thơ “ Sao khuya”. Tập thơ vừa ra đời đã được những người yêu văn chương đón nhận nồng hậu. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã giới thiệu thơ Vũ Hồ trên các báo miền Nam thời bấy giờ. Giáo sư- Thi sĩ Tạ Ký khi đọc “ Sao khuya” phải thốt lên: “ Về miền Trung, trong những đêm trăng, đọc Vũ Hồ để tìm ẩn ngữ trong sao khuya…”.
Nhiều người bạn của tôi đã thuộc lòng những vần thơ của Vũ Hồ:

Nằm nghiêng tảng đá bên đèo,
Gối cao hơn mộng, buồn theo ráng hồng
.


Tóc nào sợi thả lang thang…
Nửa trôi vào mộng, nửa mang gối sầu
Nằm nghe nhịp thở mòn đau…
Ngủ quên trong nắng mộng đầu yêu em

Có lẽ đây là những câu thơ trữ tình, phiêu bồng nhất của Vũ Hồ, làm say đắm bao người yêu thơ.
Với tôi, mãi đến 40 năm sau ( 2003), tôi mới có điều kiện đọc được nhiều tác phẩm của Vũ Hồ. Sau khi đọc nhiều bài thơ của Vũ Hồ, tôi nhận ra một điều: Ông là một người tài hoa trong thơ, nhưng trong toàn bộ thơ của ông thể hiện một nỗi cô đơn- cô đơn đến tận cùng:

Tôi thắp ngọn đèn đứng giữa đêm đen
Đợi một người nhưng không bao giờ đến!
Gạch ngói nhớ mặt trời như nhớ tuổi
Tôi vô tình quẹt lửa thấy hư vô

Và, trong thơ Vũ Hồ còn mang một nỗi buồn mênh mông sâu thẳm:

Cỏ cây là cội mưa nguồn.
Không dưng tôi đứng mà buồn trăm năm
”.

Phải chăng những người làm thơ, viết văn thuộc thế hệ của Vũ Hồ thời ấy, cũng như những nhà thơ thời tiền chiến đều viết về nỗi buồn, nỗi cô đơn. Có lẽ, thế hệ của họ sinh ra trong hoàn cảnh, quê hương, đất nước bị ngoại bang cai trị, chiến tranh, chia cắt. Ơû vào hoàn cảnh mà nhiều người đứng giữa ngã ba đường, không có lối ra, chẳng biết đi về hướng nào, nên phải sống với thân phận xa lạ, mượn thi ca để giãi bày, gửi gắm nỗi buồn và sự cô đơn trong cuộc đời…
Năm 2004, một lần trở về thăm quê hương Quảng Ngãi, tôi có đến thăm Vũ Hồ. Gần 45 năm sau, khi gặp nhau, ông vẫn còn nhận ra tôi.
Tôi rất vui khi thấy ông vẫn khỏe. Hơn 70 tuổi, tóc ông bạc phơ nhưng đôi mắt vẫn tinh anh như xưa. Trong buổi gặp mặt thân tình, ông kể cho tôi nghe chuyện quê hương, về những người thân và cả chuyện bể dâu cuộc đời. Vũ Hồ thân tình mời tôi một ly rượu thuốc, như một người cha người chú; ông khuyên tôi cố gắng viết nhiều hơn, hay hơn nữa.
Đến bây giờ, khi viết những dòng chữ này, bỗng nhiên, tôi nhớ đến câu thơ trong bài “ Ta ngồi đó” của Vũ Hồ:

“… Mười năm qua gió đưa vèo
Trong mười năm ấy, dòng theo xuôi dòng
Có buồn chút giọt mưa đông
Cũng chao nắng hạ về trong cốc đầy
Có yêu nhau những tháng ngày
Mới nghe sóng vỗ sông dài nối sông
…”

L.N.T

THƠ VŨ HỒ:

Về làm chi nữa

Về làm chi nữa em ơi!
Sông sâu nước lũ, cầu trôi mất rồi!
Về làm chi nữa hỡi người,
Bến xưa thuyền vỡ, sóng dồi bãi hoang,
Mây nào bỏ núi lang thang?
Hồng anh đến cũng sắp hàng tương tư
Đành thôi duyên ấy hững hờ!
Biết nhau rồi lại bây giờ chiêm bao.
Thuở xưa mặc áo hoa đào
Em đi phố nắng gót nào đẹp xinh
Yêu nhau tóc cũng thở dài
Trắng phau sợi nhớ vàng phai sợi tình.
Gịot nào nhỏ xuống lênh đênh…
Mà trong mắt ấy bong mình có nhau.
Nước xanh, xanh tiếp giang đầu
Cuối dòng Vệ đó một màu mây trôi
Về làm chi nữa em ơi!
Ga không đón đợi mưa ngòai phố khuya
Chân đi rét mướt vỉa hè…
Về làm chi nữa, em về không em?

Vũ Hồ

Entry filed under: VŨ HỒ. Tags: .

HỒ NGHĨA PHƯƠNG SÔNG VỆ NUÔI LỚN NHỮNG TÂM HỒN THƠ

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

Trackback this post  |  Subscribe to the comments via RSS Feed


LỜI GIỚI THIỆU

SẮC MÀU THỜI GIAN Chuyên trang Văn học - Nghệ thuật. Giới thiệu: về vùng đất và con người Quảng Ngãi, các tác phẩm văn học của các tác giả trong và ngoài tỉnh. Nơi gặp gỡ, giao lưu của bạn bè gần xa. Thân mời các bạn cộng tác. Thư từ, tác phẩm xin gởi về: Hồ Nghĩa Phương, Email: honghiaphuong@gmail.com

Bài viết mới

LƯỢNG TRUY CẬP

  • 480 399 Người

Chuyên mục